Hội thảo về bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp


Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15-11 đến 15-12 hằng năm trên phạm vi toàn quốc, thông qua đó sẽ tạo nên đợt cao điểm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021, ngày 15 tháng 12 năm 2021 Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, tham dự Hội thảo có PGS.TS Ngô Như Khoa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Đỗ Trung Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Thị Mai Hương – Chủ tịch Công đoàn Trường cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành công đoàn trường, các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị, đại diện lãnh đạo công đoàn các đơn vị và gần 200 đại biểu từ các đơn vị tham dự trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom meeting.


 


Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Trung Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh vấn đề bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là một trong những yếu tố quan trọng cần được quan tâm thực hiện trong bối cảnh hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội hiện nay. Để có sự phát triển thịnh vượng của xã hội chúng ta cần có sự tham gia, đóng góp bình đẳng của tất cả các giới ở mọi cấp độ trên cơ sở hiểu, tôn trọng, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. TS. Đỗ Trung Hải cũng khẳng định Hội thảo về Giới lần đầu được tổ chức trong Nhà trường sẽ làm nền tảng cho những hoạt động tiếp theo trong lĩnh vực này và tin tưởng vào những sự thay đổi về nhận thức để hướng tới hành động trên cơ sở bình đẳng giới của cán bộ viên chức Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.

 


TS. Đỗ Trung Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Với chủ đề hấp dẫn, gắn với thực tiễn cuộc sống cũng như đáp ứng nhu cầu về sự hiểu biết của đông đảo cán bộ viên chức, Hội thảo đã thu hút gần 20 tham luận đến từ các đơn vị, cá nhân trong Nhà trường. Các bài viết chủ yếu tập trung vào tìm hiểu, phân tích để đưa ra nhận định đúng đắn, đầy đủ nhất về bình đẳng giới. Một số bài viết tập trung vào thực trạng vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam – những kết quả đạt được và những tồn tại để từ đó đề xuất giải pháp trong công tác này. Nhiều bài viết có chất lượng khi đưa ra những kết quả đạt được tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp nhìn từ góc độ bình đẳng giới từ đó có các kiến nghị ban đầu về việc ủng hộ, tạo cơ hội để các nữ CBVC nâng cao sự đóng góp của mình tại nơi làm việc.

Diễn ra trong không khí cởi mở ở phần trao đổi, thảo luận, Hội thảo cũng đã nhận được nhiều những chia sẻ của các đại biểu tham dự về các nội dung liên quan nhìn từ các góc độ.  

 


Đại biểu tham dự phát biểu trong phần thảo luận


            Các đại biểu thảo luận, trao đổi tại Hội thảo

Nhằm đổi mới phương thức tổ chức, tại Hội thảo đã diễn ra một số hoạt động đối với đại biểu tham dự. Hoạt động “Khảo sát ý kiến đại biểu theo chủ đề” đã thu thập được các ý kiến, quan điểm của các cá nhân tham dự là cơ sở để đưa ra bức tranh tổng quát về sự phân công lao động giữ nam giới và nữ giới, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về công việc và sự đóng góp của cả nam và nữ.


 


Hoạt động “Khảo sát ý kiến đại biểu theo chủ đề

 Hội thảo kết thúc với hoạt động “Chung tay” với mục tiêu nhận được những quan điểm của đại biểu tham dự về những điều hướng tới bình đẳng giới, thúc đẩy phụ nữ phát triển, tăng quyền năng cho phụ nữ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Các đại biểu tham dự đã viết lên những mong muốn của mình cho bản thân, cho nữ giới, cho gia đình và cho xã hội. Những ghi chép đó như một sự nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới của các cá nhân tham dự và cũng là những cam kết của lãnh đạo trong phong trào thúc đẩy Bình đẳng giới trong Nhà trường ở các chặng đường tiếp theo thong qua những thông điệp được để lại.


Hoạt động “Chung tay” – sự ghi nhận và cam kết của những người tham gia

Thế giới hiện đại đang hướng đến những giá trị đích thực của cuộc sống, một trong những mục tiêu mà nhân loại đang hướng đến là sự bình đẳng giữa con người với con người trong xã hội trong đó có bình đẳng giới. Bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau và có cơ hội được đóng góp, được thụ hưởng những sản phẩm của sự phát triển xã hội như nhau. Bình đẳng thực chất là không phân biệt giới mà ghi nhận sự đóng góp và sự thụ hưởng của các giới như nhau, đồng thời phải tạo điều kiện để những người thuộc nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương có cơ hội để phát triển. Bởi vậy, bình đẳng giới cần được nhìn nhận từ góc độ bình đẳng thực chất. Hội thảo về Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã thành công tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng cho người tham dự./.

 


Hình ảnh các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:




Công đoàn Trường Đại học KTCN viết bài và đưa tin./.

 

 

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn