Công đoàn trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên quá trình thành lập và phát triển

1. Bối cảnh và thành lập.

          Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên cái gọi là "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", dùng hải quân, không quân đánh phá một số địa điểm trên miền Bắc. Trong giai đoạn này, đế quốc Mỹ ngày càng mở rộng chiến tranh, leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc hòng "đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá". Để duy trì được hoạt động đào tạo cán bộ kỹ thuật với số lượng ngày càng nhiều phục vụ cho các nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Trường Đại học Bách khoa chuẩn bị sẵn sàng chuyển hướng đào tạo từ điều kiện thời bình sang thời chiến, từ đào tạo tập trung tại Hà Nội sang sơ tán, phân tán ở nhiều nơi theo phương châm vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

          Với chủ trương đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ khoa học kỹ thuật cho khu gang thép Thái Nguyên. Ngày 19/8/1965, Phân hiệu Đại học Bách khoa tại khu gang thép Thái Nguyên được thành lập theo quyết định số 164/CP Hội đồng Chính phủ do phó thủ tướng Nguyễn Duy Trinh ký. Đây là tiền thân đầu tiên của trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp - Đại học Thái Nguyên ngày nay.

Hình ảnh một phần quyết định thành lập phân hiệu đại học Bách khoa tại khu gang thép Thái Nguyên - tiền thân nhà trường

2. Quá trình phát triển

          Cùng với sự phát triển của nhà trường, công đoàn trường đã có có lịch sử hơn 50 năm với nhiều giai đoạn và tên gọi khác nhau: Công đoàn Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên; Công đoàn Đại học Cơ Điện; Công đoàn Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc; Công đoàn Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên và nay là Công đoàn Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên.

          Ở mỗi chặng đường lịch sử đó, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, thời bao cấp cũng như khi đất nước mở cửa, Công đoàn trường đều có dấu ấn trong mỗi giai đoạn phát triển của Nhà trường.

-         Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên (1965-1966)

          Sau khi được thành lập, phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên trực thuộc 4 đơn vị chủ quản gồm: Công ty gang thép Thái Nguyên, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ra đời trong điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lực lượng cán bộ còn mỏng nhưng khóa đầu tiên của Nhà trường đã được khai giảng vào ngày 06/12/1965. Để hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường, ngày 7/7/1966, Ban thường vụ công đoàn khu gang thép Thái Nguyên ra quyết định thành lập ban chấp hành công đoàn lâm thời của nhà trường gồm 05 đồng chí (Lê Minh Phú, Ngô Đình Ba, Lê Quang Minh, Nguyễn Chấp và Đỗ Thị Xuyên). Đồng chí Lê Minh Phú được cử làm CT công đoàn của phân hiệu.  

-         Đại học Cơ điện (1966-1976)

          Theo quyết định số 206/CP của Hội đồng Chính phủ ngày 06/12/1966, phân hiệu Đại học Bách khoa được chính thức đổi tên thành trường Đại học Cơ Điện, trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình và nhiệm vụ mới về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý trình độ đại học. Từ đây, tổ chức công đoàn chính thức có các khóa và nhiệm kỳ cụ thể.

          Khóa I, II của công đoàn trường từ 1968 đến năm 1973, đ/c Nguyễn Văn A, cán bộ giảng dạy, là chủ tịch công đoàn. Khóa IV của công đoàn trường từ 1973 đến năm 1975, đ/c Dương Cao Thăng, cán bộ giảng dạy, là chủ tịch công đoàn. Từ 1975 đến năm 1976, đ/c Hoàng Chương là Hiệu phó nhà trường được giao nhiệm vụ làm chủ tịch công đoàn khóa V của công đoàn.

Quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc đổi tên phân hiệu Đại học Bách khoa thành trường Đại học Cơ Điện, trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp

-         Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc ( 1976-1982)

          Theo Quyết định đổi tên trường số 426/TTG của Thủ tướng chính phủ trường Đại  học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc là tên mới của trường Đại học Cơ điện. Đ/c Phạm Thị Vân, trưởng trạm y tế, là chủ tịch công đoàn khóa 6 (từ năm 1976 đến 1979). Đ/c Lê Nguyên Ngữ là một cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ làm chủ tịch công đoàn Khóa 7, 8 (1979 - 1983).

-         Đại học Công nghiệp Thái Nguyên ( 1982-1994)

          Với chủ trương xây dựng một trung tâm đào tạo đa cấp đa ngành, trường Trung học công nghiệp miền núi được sát nhập vào trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Việt Bắc để thành lập trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên theo Nghị định số 332/HĐBT ngày 18/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng. Cùng với nhiệm vụ đó, đ/c Lê Đình Tư, phó hiệu trưởng nhà trường, là Chủ tịch công đoàn Khóa I (1983-1985) của Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Đ/c Đoàn Kim Luân, trưởng ban Khoa học cơ bản, là Chủ tịch công đoàn Khóa II (1985-1986). Ở khóa III (1986-1989) Đ/c Lê Nguyên Ngữ được tiếp tục làm Chủ tịch công đoàn. Đ/c Phạm Dương, TP Hành chính, là Chủ tịch công đoàn Khóa IV (1989-1991). Đ/c Lâm Tự Tiến, TP Tổng hợp, là Chủ tịch công đoàn Khóa V (1991-1994)

Đ/c Lê Đình Tư, phó hiệu trưởng nhà trường, là Chủ tịch công đoàn Khóa I (1983-1985) của Đại học Công nghiệp Thái Nguyên

-         Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (1994 đến nay)

          Với sự ra đời của đại học vùng - Đại học Thái Nguyên theo Nghị định 31/CP/1994 của Chính phủ, Đại học Công nghiệp Thái Nguyên trở thành một thành viên của Đại học Thái Nguyên và mang tên Đại học Kỹ thuật Công Nghiệp – Đại học Thái Nguyên. Đ/c Lâm Tự Tiến, TP Tổng hợp, tiếp tục làm Chủ tịch công đoàn từ khóa VI đến hết khóa X (1994-2005). Đ/c Phạm Trọng Hoạch, phó TP Đào tạo, làm Chủ tịch công đoàn Khóa XI và XII (2005 - 2010). Đ/c Phạm Đức Ngọc, TP Công tác HSSV, làm Chủ tịch công đoàn Khóa XIII và XIV (2010 - 2016). Và hiện nay, khóa XV (2017 - 2022), đ/c Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng khoa Điện đang là chủ tịch công đoàn đương nhiệm.

Đ/c Lâm Tự Tiến

Đ/c Phạm Trọng Hoạch

Đ/c Phạm Đức Ngọc

 

3. Chức năng - nhiệm vụ chính

- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội
- Tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng cấp khi bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. 

- Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, cán bộ viên chức và các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.

- Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của cơ quan, đơn vị, nâng cao trình độ, chống tham nhũng lãng phí.

4. Cơ cấu, tổ chức.

          Công đoàn nhà trường hiện tại, đến năm 2020, có 527 công đoàn viên (trong đó có 260 cđv là nữ). Trình độ của các công đoàn viên gồm có 18 PGS.TS và 73 tiến sĩ, 313 thạc sĩ, còn lại là kỹ sư, cử nhân và nhân viên phục vụ. Công đoàn trường có 06 ban chức năng, 10 công đoàn bộ phận, 12 tổ công đoàn trực thuộc và 12 tổ nữ công. Trong các công đoàn bộ phận còn có thêm các tổ công đoàn nhỏ. Ngoài ra còn UBKT công đoàn đồng cấp với công đoàn trường và Ban thanh tra nhân dân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của công đoàn trường.

5. Những thành tựu nổi bật trong 15 năm gần đây

01 Huân chương Lao động hạng Ba - năm 2010

01 Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn LĐ VN

07 bằng khen của Tổng Liên đoàn LĐ VN

47 bằng khen của Công đoàn ngành GD&ĐT

Tin mới hơn

Tin cũ hơn